Những đề xuất của TP. Hồ Chí Minh về hạn chế xe cá nhân không có gì mới. Với tư duy tăng thuế, phí đi cùng là các biện pháp hành chính thì chưa chắc hạn chế được ùn tắc mà càng khiến người dân thêm gánh nặng.
Thêm gánh nặng
Thực ra, các giải pháp mà Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được cho thực ra không có gì mới, đã có những giải pháp từng được thực hiện rồi, nhưng thất bại.
Chẳng hạn như việc tăng lệ phí trước bạ ôtô vào năm 2012. Sau khi Hà Nội tăng lệ phí trước bạ ôtô từ 12% lên 20% và tp Hồ Chí Minh tăng từ 10% lên 15%, trả lời cơ quan truyền thông, một số quan chức 2 thành phố này cho rằng, mục đích tăng lệ phí trước bạ là nhằm tăng thu cho ngân sách, để tái đầu tư lại cho các dự án giao thông và giảm ôtô cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh không thể có tỷ lệ thuận nào như vậy.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm số lượng xe tiêu thụ gần 50% của cả nước.Sau khi tăng lệ phí trước bạ, năm 2012 tiêu thụ ô tô giảm 20% so với 2011 và số tiền nộp ngân sách của riêng các DN ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam ( VAMA) giảm hơn 300 triệu USD.
Những địa phương có các DN ôtô lớn đầu tư như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hải Dương... hụt thu ngân sách. Còn tại Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, do lượng ô tô bán ra giảm mạnh nên thu ngân sách từ ô tô cũng không đạt kế hoạch. Sau 1 năm thì mức lệ phí trước bạ 2 thành phố này lại về như trước
Không ít ý kiến bạn đọc đặt câu hỏi về đề xuất hạn chế phương tiện giao thông của của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, có phải do thiếu năng lực, không có chính sách tốt trong xây dựng và phát triển hạ tầng, cứ gặp cái gì khó lại tìm cách hạn chế?
Tuy nhiên, đi lại là nhu cầu không thể thiếu và ngày càng phát triển nên cho dù có hạn chế ô tô, xe máy, nhưng nếu các phương tiện giao thông công cộng không đảm bảo "gánh vác" phần lớn nhu cầu đi lại, thì bắt buộc người dân sẽ phải tìm phương tiện cá nhân khác thay thế.
Nếu thay thế xe máy bằng xe đạp với hệ thống giao thông chật hẹp và mật độ dân cư đông đúc như vậy, thì ách tắc đường sẽ còn trầm trọng hơn. Chẳng lẽ, khi đó lại đánh thuế, phí cao với cả xe đạp để giảm ắch tắc giao thông?. Giải pháp như vậy có khác nào chỉ cắt ngọn mà không xử lý tận gốc rễ vấn đề.
Hiện tại, thuế và các loại phí với ô tô xe máy vốn đã cao, nay lại đề xuất tăng lên thì ai chịu nổi. Đi lại là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân, khi chính quyền chưa đáp ứng đủ các phương tiện giao thông công cộng, sẽ có nhu cầu sử dụng phương tiện xe cá nhân. Nay lại tăng thuế, phí và đủ cách hạn chế xe cá nhân thì chỉ khiến người dân thêm gánh nặng?
Xe chưa nhiều, hạ tầng quá thiếu
Ùn tắc giao thông là áp lực lớn nhất buộc các đô thị lớn nghĩ đến việc hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng tắc đường chỉ diễn ra chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến ùn tắc giao thông được giới chuyên môn chỉ ra là do cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém và thiếu nghiêm trọng.
Hiện tại phục vụ sự đi lại chỉ có đường bộ, chưa có xe điện, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm là các phương thức vận chuyển khách với khối lượng lớn.
Trong khi đó, đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là rất thấp. Hiện nay khoảng 8% trên đất đô thị, trong khi yêu cầu đất dành cho giao thông phải đạt từ 24-26%. Diện tích bãi đỗ xe chưa đến 1% (Hà Nội là 0,3% và TP.Hồ Chí Minh là 0,8%), trong khi đó yêu cầu là từ 3 đến 5% trên tổng diện tích đất đô thị.
Đặc biệt, việc thiếu kiểm soát việc tăng dân số cơ học đang tạo sức ép lên hạ tầng. Ngày càng có nhiều người đổ về Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để sinh sống, làm việc, khiến cho mật độ dân cư tại đây tăng cao.
Theo các số liệu, hiện nay mật độ dân cư ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lên tới từ 20.000-36.000 người/km2.
Không những thế, tại 2 thành phố này các khu đô thị cao tầng lại đang "mọc lên như nấm sau mưa" và thiếu đồng bộ về hạ tầng như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... Dẫn đến người sống ở khu đô thị này phải sang khu đô thị khác để học tập, chữa bệnh, mua sắm... mà tất cả đều đi trên 1 mặt bằng là đường bộ, cùng với năng lực tổ chức mạng lưới giao thông còn bất cập, nên thường xuyên bị ắc tắc giao thông.
Giới chuyên môn cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn này, phải có nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể phải quản lý chặt chẽ xây nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không cho bùng phát bừa bãi, không để tình trạng phố nhỏ mà có quá nhiều nhà chọc trời.
Về tổng thể, định hướng quy hoạch đô thị theo hướng phát triển hài hòa với các vùng miền, không để vùng nào thiếu vắng đô thị, cân đối, tránh tập trung, giảm áp lực về đô thị trung tâm.
Tránh giao thông liên tỉnh, quốc lộ cắt qua các thành phố lớn như hiện nay...Cùng với đó là đầu tư mạnh cho giao thông công cộng, mang đến sự thuận tiện với chất lượng phục vụ tốt, nhằm thu hút người dân tham gia, qua đó giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Trần Thủy