10 năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam chính thức có hiệu lực, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hoàn toàn.

 

Đó là khẳng định của ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Thương mại và Kinh tế của EU tại Việt Nam trong buổi họp báo về kết thúc Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) và công bố nội dung cắt giảm thuế các hàng hóa khi vào thị trường của nhau diễn ra chiều nay (5/8).

 Đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Franz Jessen cho biết: Các thỏa thuận cơ bản của FTA giữa Việt Nam và EU đã được đại diện hai bên nhất trí và ký kết, chỉ chờ Nghị viện Châu Âu, Quốc hội Việt Nam thông qua. Dự kiến vào giữa mùa Thu năm 2015 đến cuối năm 2015 FTA Việt Nam – EU ( EVFTA) sẽ có hiệu lực.

Tuy nhiên, các mặt hàng ô tô, máy móc, xe mô tô, các nước uống có cồn từ EU vào Việt Nam được xếp vào các mặt hàng có độ nhạy cảm và nhạy cảm cao nên theo lộ trình phải sau 10 năm khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan các mặt hàng này mới được xóa bỏ.

Như vậy, người tiêu dùng Việt sẽ phải chờ 10 năm nữa mới được hưởng thuế suất 0% khi mua các dòng xe nhập khẩu từ khu vực này, trong đó có nhiều dòng xe từ Đức, Ý, Pháp... đang được người Việt ưa chuộng.

Tại buổi họp báo, chia sẻ về 99% dòng thuế các mặt hàng được cả EU và Việt Nam cắt giảm về 0% khi EVFTA có hiệu lực, Tham tán Thương mại và Kinh tế EU giải thích rõ: “99% là số tổng dòng thuế cả hai bên sẽ cắt giảm từ khi hiệp định có hiệu lực. Mức cam kết mở cửa, xóa bỏ, cắt giảm thuế quan của EU và Việt Nam có khác nhau. EU xóa bỏ thuế quan nhiều mặt hàng, dòng thuế từ Việt Nam nhiều hơn, do trình độ phát triển cao hơn”, ông Jean nhấn mạnh.

Về cam kết mở cửa thị trường của EU, EU cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế của 71% hàng hóa, dòng thuế từ Việt nam vào EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Gần 30% dòng thuế, hàng hóa còn lại muốn được hưởng thuế quan 0% khi vào EU sẽ phải chịu lộ trình cắt giảm 7 năm sau đó.

Về cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 65% hàng hóa từ EU vào Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực. Hơn 34% hàng hóa, dòng thuế còn lại, muốn có thuế quan 0% khi vào Việt Nam, sẽ phải chịu lộ trình 10 năm sau đó.

Như vậy, thị trường EU đối với hàng hóa của Việt Nam được mở rộng hơn thị trường Việt Nam đối với hàng hóa EU. Về lộ trình, những mặt hàng nhạy cảm của EU được cắt giảm thuế 0% khi vào Việt Nam sẽ muộn hơn 3 năm khi các mặt hàng tương tự của Việt Nam khi vào EU.

Trong danh mục được hưởng thuế quan 0%, dệt may Việt Nam được hưởng mức thuế 0% vào EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là nguồn gốc xuất xứ của dệt may phải ở Việt Nam hoặc 1 đối tác thứ 3 mà EU đã ký hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Jean: “Chứng nhận quy tắc xuất xứ của EU để hàng dệt may được hưởng thuế 0% vào thị trường này là hàng phải được cắt may và sản xuất tại Việt Nam chứ không phải từ Trung Quốc. Về nguyên liệu, EU sẽ chấp nhận ưu đãi khi nguyên liệu đó có xuất xứ từ 1 nước thứ 3 có FTA với EU để được hưởng quy tắc Tối huệ quốc (MFN), nguyên liệu có thể được chấp nhận ưu đãi có thể là Hàn Quốc khi FTA EU và Hàn Quốc đã được ký kết”.

Một điểm đáng chú ý, trong danh mục các mặt hàng được xóa bỏ thuế quan về 0%, không có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam vẫn phải chịu lộ trình cắt giảm thuế quan hoặc giới hạn hạn ngạch (quota) khi vào EU.

Cụ thể, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sẽ chỉ được cắt giảm thuế quan dần dần và có lộ trình; mặt hàng gạo sẽ phải chịu hạn ngạch, cà phê chế biến chỉ được hưởng thuế 0% sau 7 năm. Cụ thể EU miễn thuế 0% thuế nhập khẩu cho 30.000 tấn gạo hương, 25.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo sữa. Nếu xuất khẩu nhiều hơn quota trên sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu theo quy định.

Nguyễn Tuyền

NGƯỜI LAO ĐỘNG